Đừng bao giờ vì để được lòng một ai đó mà đánh mất chính mình… Đã từng có rất nhiều người đánh mất cả cuộc đời chỉ để làm vừa lòng một ai đó, đánh đổi một điều gì đó tạm bợ, hư ảo, mong manh…Vì thế, “Nhận biết chính mình” là một điều rất cần thiết và quan trọng.
Trong mỗi con người đều có những ưu và khuyết điểm, cần được phát hiện để phát triển hoặc để sửa đổi và hoàn thiện…
Ngay từ thế kỉ thứ V trước công nguyên, nhà hiền triết Socrate người Hy lạp đã luôn nhắc nhở các môn sinh của mình rằng: Hãy nhận biết chính mình.
Binh pháp của Tôn Tử thì dạy : “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Thắng ở đây không chỉ là thắng theo kiểu chiến trận, thắng ở đây cũng chưa hẳn là thắng người mà thắng ở đây là thắng chính mình. Chiến thắng bản thân là một điều không hề dễ dàng.
Làm thế nào để nhận biết chính mình? - Hãy đối diện với chính mình.
Mỗi một con người là một thế giới bí ẩn, “độc nhấtvô nhị” không ai giống ai cả!..
Vì thế, Cuộc đời của mỗi người là một hành trình đi tìm…và câu hỏi lớn nhất cần phải đặt ra là : Tôi là ai?..
Trong xã hội kinh tế thị trường ngày nay, người ta thường tự minh danh bằng những tấm Cartes de Visite, trên đó ghi tên tuổi, chức vụ và địa chỉ để trao đổi cho nhau… Tuy nhiên, những thứ ấy chỉ là chiếc áo khoác, là vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài mà thôi!
Tôi là ai? Có nghĩa là con người đích thực của tôi, bản chất thực sự của tôi thế nào? Những người sống chung quanh tôi, làm việc cùng tôi đã nhận định về tôi ra sao? Là một con người xấu xa, hẹp hòi, ích kỷ? Là một con người bình thường như bao người khác? Hay là một con người có danh tiếng tốt, có lòng nhân từ, bác ái, yêu thương…
Đối diện với chính mình là một điều rất cần thiết. Bởi, giữa những công việc đa đoan và thói quen máy móc “một ngày như mọi ngày”, giữa những lo lắng và toan tính hơn thua, danh, lợi… Giữa những lôi kéo và cám dỗ hằng ngày. Có thể đã khiến cho chúng ta trở nên xa lạ với chính bản thân, không còn thực sự là mình nữa.
Thông thường chúng ta có hai con mắt có thể nhìn thấy được vạn sự vạn vật trên thế gian, nhìn người khác chính xác, rõ ràng, nhưng lại không nhìn được rõ ràng chính mình.
Nói rõ hơn, con người có tầm thức phân biệt, độ cảm nhận thức cao; có thể nhận thức được người khác, nhận thức được sự vật, nhận thức được thế giới. Tuy nhiên, lại rất khó khăn nhận thức được chân thực chính mình. Lại nữa, con người chúng ta có thể nhận thức được sai trái lỗi lầm của người khác rất rõ ràng, nhạy bén, nhưng lại không nhìn thấy được khuyết điểm của chính mình. Nhìn thấy được sự tham muốn của người khác mà không nhìn thấy được các tập khí, tiểu khí của chính mình. Nhìn thấy được tà kiến của người khác, nhưng không nhìn thấy được ngu si của chính mình.
Chúng ta có thể nhận thức được mọi sự hoạt động của thế giới, của lịch sử, của xã hội, và ngay cả mọi hành vi cử chỉ của thân thích bằng hữu, nhưng nhận thức được chính mình thì lại rất yếu kém, mù mờ khó khăn.
Mỗi người chúng ta, nếu biết tự mình soi gương quán sát. Trong gương sẽ phản chiếu rất rõ ràng mắt, tai, mũi, miệng, ngũ quan của con người. Chúng ta có thể nhìn thấy tường tận những đường nét xinh đẹp, hay diện mạo xấu xí của thân mình, nhưng không thể nào soi thấu được nội tâm của con người. Nếu có được mặt gương tinh vi mà có thể soi chiếu được nội tâm của mỗi người, thì tâm tham, sân, si tật đố, mạn nghi, tình sầu oán khúc… kia chắc hẳn sẽ rùng rợn khó coi đến cực điểm!
Người, có người hiền lành, từ bi; có người hung ác nham hiểm. Người, có người luôn sống với tâm bao dung, hỷ xả; nhưng lại có người luôn sống với tâm tham thủ, ích kỷ chỉ biết đòi hỏi được người khác bao dung, cung phụng. Bạn đã nhận ra được bạn thuộc người nào chăng? Người, có người biết vì người quên mình, nhưng cũng có người chỉ biết lợi mình, tổn người. Bạn có thể tự xét ra được mình là thuộc chủng người nào chăng?
Làm người cần phải có lễ nghĩa, có tàm quý, có tín nghĩa hòa bình, có trung hiếu, nhân ái, có từ bi hỷ xả. Bạn đã kiểm tra qua chính mình? Bạn kiểm điểm chính mình xem có được những điều kiện làm người đó chưa?
Làm người chúng ta phải cần biết tự bồi dưỡng năng lực đảm đang gánh vác trách nhiệm. Đầu tiên, cần phải tự nhận thức được chính mình, nhất là không sợ với những lời “trung ngôn nghịch nhĩ”, hoặc lẫn trốn che lấp những khuyết điểm xấu dở của chính mình, thì mới có thể tiến bộ nhanh, và mới có thể tự mình trưởng thành.
Trong Phật môn thường nhắc nhở chúng ta câu: “Nhận thức bản lai diện mục của chính mình” Chúng ta đã nhận thức được bản lai diện mục của chính mình chưa?
Trong cuộc sống nhân gian biết bao người chỉ biết bạn rộn với những tính toán so đo về sự được mất, sự hơn thua của người khác, rồi chỉ biết chê trách, chỉ trích người khác là vô ý thức, vô giáo dục mà quên mất quan tâm về sự khởi động tâm niệm của chính mình. Con người chúng ta đối với lý tưởng, trách nhiệm và xứ mạng của chính mình là luôn luôn trái ngược với sư thật, trái ngược với tương lai.
Nhận thức được chính mình chính đó chính là vấn dề cốt lõi giúp hoàn thiện cái tâm trong mỗi con người…