Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

Trong tương lai, mắt người sẽ có thể phóng ra tia laser như các siêu anh hùng

Phát minh mới này là bằng chứng cho thấy những đôi mắt có thể phóng ra tia laser tồn tại trong các bộ phim siêu anh hùng hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
laser
Tương lai mắt con người có thể phóng ra tia laser 

Gần đây, các nhà nghiên cứu Scotland đã tạo ra một lớp màng siêu mỏng và linh hoạt có thể phát ra ánh sáng laser và đã thử nghiệm thành công trên kính áp tròng. 

Nhiều người lo ngại tấm màng phát ra tia laser này khi được gắn vào kính áp tròng có thể gây tổn hại đến thị lực của người sử dụng. Tuy nhiên nguồn năng lượng của chúng không đủ mạnh để gây ra bất kì một sát thương nhỏ nào. Dù mức năng lượng không cao nhưng các nhà nghiên cứu cho biết chúng có thể được sử dụng để làm các thẻ đeo bảo mật, hay thậm chí là một loại mã vạch laser.

Màng chứa vật liệu của công nghệ cực mỏng, nó chỉ dày khoảng một phần nghìn milimet và có tính mềm dẻo. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta có thể sử dụng chúng để gắn vào tiền polymer như một phương pháp để phân biệt thật-giả hay những miếng nhựa dẻo thường được dùng trong kính áp tròng.

Theo nhà nghiên cứu Neil Savage, các nhà khoa học tạo ra tia laser bằng cách dập các tấm lưới có kích thước nano thành màng polymer mỏng được đặt trên đế thủy tinh. Sau đó, những tấm màng này có thể đặt được trên các bề mặt khác.

Khi được chiếu sáng bằng các tia laser khác, tấm màng sẽ tự phát ra ánh sáng laser với bước sóng từ 420 đến 700 nm. Chúng được xác định bởi cấu trúc và vật liệu của lưới và có thể được điều chỉnh để phát ra các bước sóng cụ thể - thậm chí phát ra ánh sáng giống như chuỗi các số 1 và 0 trong một mã vạch.

Ánh sáng laser này rất thấp, chỉ dao động quanh 1 nanowatt – khoảng một phần tỷ của một watt. Chúng nhỏ đến mức không đủ để cung cấp năng lượng cho một nguồn ánh sáng nhỏ. Tuy nhiên, 1 nanowatt cũng đã đủ để có thể sử dụng trong các thiết bị máy quét laser và rất có thể sẽ mang đến nhiều thay đổi lớn trong lĩnh vực an ninh và bảo mật.

Để kiểm tra phát minh mới, nhóm nghiên cứu đã tích hợp tấm màng vào một thấu kính tiếp xúc, sau đó chúng được gắn vào nhãn cầu của một con bò. Mắt bò thường được sử dụng phổ biến trong những thí nghiệm tương tự như thế này vì chúng có sự tương đồng về cấu trúc với mắt người và lúc nào cũng sẵn có. 

Họ cũng gắn một tấm màng vào một tấm hình thu nhỏ của nhà nghiên cứu. Cả hai tấm màng này đều tạo ra một chùm tia laser – và điều quan trọng hơn là dù có tiếp xúc với mắt nhiều lần thì laser trong kính áp tròng luôn nằm trong vùng an toàn.

"Chúng tôi đã chứng minh việc chế tạo và vận hành các laser hữu cơ siêu mỏng, ít chất nền và có tính linh hoạt cơ học cũng như trọng lượng nhẹ là một điều hoàn toàn có thể”, các nhà nghiên cứu viết trong bài báo của họ. "Ngoài những tính chất vật lý ưu việt này, tấm màng còn có ngưỡng bắt đầu tác dụng laser thấp và khả năng tạo ra quang phổ đầu ra độc đáo. Tất cả cho phép các tấm màng laser được dùng để làm thẻ bảo mật hay gắn vào một loạt các chất nền khác bao gồm giấy bạc ngân hàng, kính áp tròng và móng tay."

Các nhà khoa học cũng cho rằng họ có thể chuyển các tấm màng laser nguyên mẫu sang sản xuất hàng loạt mà không cần nhiều nỗ lực. "Bằng cách kết hợp các bản vẽ nano và công nghệ mực in sinh học, màng laser có thể được sản xuất hàng loạt với khả năng tái sản xuất cao và giá thành thấp", nhóm nghiên cứu cho biết

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.