Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

Con tôi cần...

1. Trong tiểu thuyết “Chồng xứ lạ” của tôi, có một nhân vật sau khi ly hôn với người chồng Đài Loan đã kiên quyết không chấp nhận việc quay về sống tại Việt Nam. Cô ấy nói:

- Con tôi cần một trường học tốt, một cô giáo không kỳ thị, một bác sĩ giỏi, một đơn thuốc có lương tâm không bị bóp méo bởi hoa hồng của hãng dược, những món ăn không bị trộn thuốc sâu hay chất formol bảo quản, một con đường cho con đi học bớt bụi bặm khói xe ô nhiễm, và không bị rải đinh lỡ trớn lao một cú bể sọ não, và hơn tất cả là một cuộc sống không ai có quyền xúc phạm dè bỉu nó, cười nó không cha.

Con trai tôi cần công viên không có rào ngăn và ống kim tiêm chích ma tuý để chạy nhảy, cần một bể bơi gần nhà để học vẫy vùng, con trai tôi cần hoà nhập.

Việt Nam cho người đàn bà ấy quốc tịch và dòng máu Việt, ngôn ngữ Việt. Nhưng cay đắng thay không cho được người đàn bà ấy một cuộc sống an toàn và đủ quyền làm người.

Không cho người mẹ được một không gian sống và nuôi con an toàn.

Không cho đứa con được một xã hội tử tế lành lặn.

Không làm cho những người ra đi khỏi biên giới sẵn sàng quay trở về lại.

Câu chuyện Việt Nam không còn là câu chuyện đi hay ở, sống hay chết, bị chụp mũ là yêu nước hay ích kỷ. Nó đã trở thành câu chuyện cá nhân hơn của mỗi cuộc đời: Bạn có được gì trong đời, bạn là ai trong xã hội, sự tử tế của bạn tồn tại được bao lâu trong xã hội này, sự tự ý thức về quyền làm người của bạn trụ lại được bao lâu trong một xã hội mà cả lương tâm lẫn không khí đều bị ô nhiễm?


Nếu cô ấy rời Việt Nam năm 2016, chắc chắn lý do đưa ra sẽ có thêm những dòng như sau:

- Con trai tôi cần một bãi biển để tắm, không phải một bãi biển để chết, rạn san hô không sống nổi, cá chết xếp lớp, thợ lặn qua đời ngay sau khi rời mặt nước biển.

- Con cái tôi cần một khu tập thể không bị các chuồng lợn gà và vườn rau tự trồng đè lên trên, trong phong trào hô hào nông thôn hóa thành thị của những tờ báo lá cải hàng đầu.

- Con trai tôi cần sự minh bạch, nó cần lớn lên không phải cúi đầu như mẹ nó!

- Và con trai tôi cần sống ở một xã hội mà không ai có quyền lên tiếng chửi một người đàn bà không quen biết, vì bất cứ lý do gì!

- Và một xã hội còn mông muội đến bao giờ khi luôn trút mọi tội lỗi đàn ông lên đầu đàn bà. Khi mấy ngàn năm trước cho rằng nước mất chỉ vì một “con gian tặc” Mỵ Châu, chém nó là vua rửa được hờn. Mà cho đến ngày nay, hàng vạn đàn ông Việt cả trẻ tuổi lẫn đầu hai thứ tóc vẫn tự cho mình quyền chửi một người đàn bà xấu, chửi đàn bà yêu lắm cưới ít, chửi một người đàn bà lấy chồng nước ngoài trong khi cả thế giới đã cho rằng, di dân là quyền của mỗi một con người. Yêu ai, lấy ai, sống ở đâu là quyền đương nhiên của mỗi cá nhân!



Ô nhiễm biển, không khí, đất đai không đáng sợ bằng tinh thần ô nhiễm, lòng tự trọng cũng bị nhiễm độc toàn diện, và quan điểm sống méo mó theo những trào lưu mở mồm trên facebook của những trí- thức- mạng.

Những kẻ suốt ngày cắm mặt cúi đầu trên màn hình của thiết bị di động hay laptop, họ chưa bao giờ sống cho ra sống. Khi làm sao họ có thể học được cách ngẩng đầu lên trong lúc cúi gằm cái đầu trên những thứ xài 3G.

Giờ là 4G. Cuộc đời văn minh lên và mạng không dây nâng cấp, không có nghĩa là những cái đầu đang cắm lên màn hình cũng được nâng cấp khỏi những cơn cảm xúc bầy đàn.

Sách bán khó mà thành best-seller, trừ những thứ sách vuốt ve những cơn bầy đàn. Hoặc loại sách tạo ra những cơn sốt vô nghĩa trong công chúng.

2. Nếu được nói với thế hệ con cháu, tôi sẽ không nói xin lỗi.

Tôi sẽ không xin lỗi thay cho những kẻ đốn rừng, độc chiếm sông Hồng, đặt cáp treo vào tất cả những chỗ họ thò được cái của nợ của họ vào. Dù dưới hang Sơn Đoòng hay là lên tận đỉnh Phanxipan.

Tại sao tôi phải xin lỗi thế hệ con cháu khi thế hệ tôi đã xài hết tài nguyên đất nước?

Tại sao tôi phải xin lỗi thế hệ sau này, khi nhận ra một sự thật rằng, những lứa người được sinh ra trong giai đoạn hào hùng của những giai điệu tự hào, lại chính là thế hệ đục khoét bào mòn tài nguyên đất nước và phá hủy tất cả những tượng đài của lòng tin và lý tưởng? Trong khi những thế hệ lớn lên trong thời kỳ được gọi là mạt vận văn hóa, thần tượng toàn ngoại lai, ca khúc toàn ẽo ợt, nhạc nhẽo phim kịch diễn như zombie, lại chính là thế hệ trẻ đầy bức xúc và phản biện, chấp nhận mọi sự đa dạng và sáng tạo, sẽ phải gánh vác vai trò là người vực dậy cả xã hội này về tương lai phát triển cũng như kiến tạo lại hệ thống tư duy và triết lý để các giá trị xã hội được hình thành lại lần nữa?

Sao tôi phải xin lỗi con cháu, khi chưa bao giờ được thế hệ cha ông xin lỗi! Về những danh nhân ảo, về những người anh hùng tưởng tượng, về những cực đoan và nỗi sợ hãi được xây lên để phòng tránh ngăn ngừa ca sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ của thế kỷ trước?

Nghe đâu, những kẻ tội đồ thế kỷ như Monsanto lại mang giống biến đổi gien vào Việt Nam và được chiếu trên để chào hàng về “Tầm nhìn nông nghiệp”, và Học viện Nông nghiệp chào đón vào Việt Nam như một nhà hảo tâm.

Tôi không biết hai mươi năm nữa là một Việt Nam tương lai như thế nào. Nhưng tôi dứt khoát không chấp nhận xin lỗi thế hệ con cháu, thay cho những kẻ trải thảm đỏ rước tội đồ chất độc màu da cam quay lại trên những cánh đồng Việt Nam, hay những kẻ cho phép những đường hầm xả thải thẳng ra Biển Đông như tại Formosa.

Tại sao lại là tôi, một người mẹ viết văn, phải xin lỗi con mình, chỉ vì tôi đã không đủ dũng cảm để lựa chọn việc đi khỏi Việt Nam như nhân vật của mình, dù tôi hoàn toàn có thể?

Mà tôi ở lại để đương đầu?

- Trang Hạ -